Tại Cà Mau, tham dự Hội nghị có đồng chí Bùi Công Bửu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Lê Huỳnh Kỳ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đại diện: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và lãnh đạo các sở, ngành đoàn thể cấp tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội
Phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đây là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước ta. Vì vậy, sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua thì nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp thực sự đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có liên quan trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị. Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp đòi hỏi sự tham gia tích cực, nghiêm túc của Nhân dân, tất cả các cấp, các ngành, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.
Các đại biểu dự Hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội giới thiệu những nội dung cơ bản của Hiến pháp như: Với bố cục 11 chương, 120 điều, giảm 01 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo; quy định rõ ràng, đúng đắn, đầy đủ và khái quát hơn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phổ biến Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu quán triệt trong toàn ngành, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình nội dung của Hiến pháp, Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và có kế hoạch thiết thực, phù hợp với từng cấp, ngành, địa phương và các đoàn thể để triển khai thi hành Hiến pháp diễn ra đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ và thu được kết quả. Định kỳ 6 tháng, năm có báo cáo kết quả triển khai thi hành Hiến pháp về Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị. Trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp cần đề cao vai trò của cơ quan thông tấn báo chí trong công tác thông tin tuyên truyền về Hiến pháp đến với nhân dân.
Cẩm Tú